Giúp trẻ tăng chiều cao

2011-09-28 00:21

 

Bạn luôn mong muốn bé yêu của mình đạt được chiều cao lý tưởng khi trưởng thành? Mời các bạn cùng tham khảo một số thông tin về dinh dưỡng để cải thiện chiều cao cho bé.
 
 
Chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: Di truyền, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và môi trường sống (chế độ ngủ, nghỉ, học tập, vui chơi… ). Do đó, muốn trẻ tăng chiều cao, yếu tố mà chúng ta nên quan tâm hàng đầu là chế độ dinh dưỡng hợp lý, vì nó ảnh hưởng đến 32% chiều cao của trẻ. Chính vì vậy, chế độ ăn hàng ngày cần phải cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng như sau:
 
 

Can-xi:

Là chất dinh dưỡng chính tham gia vào cấu trúc hệ xương. Thiếu can-xi sẽ ảnh hưởng lớn đến chiều cao của trẻ. Nhu cầu hàng ngày như sau: 
  • trẻ em còn bú: 400 mg/ngày;
  • trẻ từ 1 – 3 tuổi: 600 mg/ngày;
  • trẻ từ 4 – 9 tuổi: 700 mg/ngày;
  • trẻ từ 10 -12 tuổi: 1.000 mg/ngày;
  • thanh niên 13 - 19 tuổi: 1.200 mg/ngày.

Can-xi có nhiều trong sữa, cua, ốc, tôm, tép, đậu nành và các loại rau.

 

Chất bột đường:

Là nguồn dinh dưỡng chính giúp cung cấp năng lượng và chiếm khoảng 70% năng lượng trong khẩu phần ăn. Những thực phẩm giàu bột đường như gạo, bột mì, khoai lang…
 

Chất đạm: 

Đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển chiều cao. Thức ăn chứa nhiều đạm là thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đậu nành. Tỷ lệ chất đạm trong khẩu phần nên chiếm khoảng 12% tổng số năng lượng.
 

Chất béo:

Rất quan trọng trong sự phát triển xương của trẻ khi còn nhỏ vì giúp tạo năng lượng, tham gia cấu tạo tế bào, đồng thời là nguồn cung cấp các vitamin hòa tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Tỷ lệ chất béo trong khẩu phần nên chiếm khoảng 18% tổng số năng lượng. Nên giúp trẻ chọn những thực phẩm giàu a-xít béo chưa no và tốt nhất nên có sự kết hợp đồng đều giữa chất béo có nguồn gốc động vật với chất béo có nguồn gốc thực vật.
 

Vitamin A:

Rất cần thiết cho sự hình thành khung xương và tăng trưởng của trẻ bởi vai trò bảo đảm cho sự gia tăng số lượng tế bào, tham gia vào sự cân bằng, tái tạo, đổi mới biểu mô. Thiếu vitamin A, trẻ sẽ bị quáng gà, chậm lớn và không cao. Lượng dùng như sau:
  • từ khi sinh đến 3 tuổi: 375 - 400 mcg,
  • 4 - 6 tuổi: 500 mcg,
  • 7 - 10 tuổi: 700 mcg.

Gan động vật, dầu gan cá, trứng, bơ, sữa bò, cam vàng, cà rốt, khoai tây… là các thực phẩm chứa nhiều vitamin A

 

Vitamin D:

Giúp cơ thể hấp thu can-xi, tăng cường sự tích lũy can-xi, phốt-pho vào xương. Sự thiếu hụt vitamin D ở trẻ em dẫn đến bệnh còi xương. Trẻ em trong 2 năm đầu và trẻ 2 đến 5 tuổi vào mùa đông nên cung cấp 20 - 30 mg vitamin D/ ngày. Nguồn thức ăn giàu vitamin D  là gan, dầu cá, cá hồi, cá ngừ, cá trích, sữa mẹ, lòng đỏ trứng gà, trứng vịt…
 
Ngoài ra, chúng ta cần bổ sung  ma-giê, i-ốt, sắt,  phốt-pho, kẽm, vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin C giúp trẻ khỏe mạnh và tăng trưởng liên tục.
 
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, trẻ cũng cần được rèn luyện thể lực và đảm bảo luôn có giấc ngủ ngon. 
 
(Amagram Việt Nam - 10/2011)